Lao động nước ngoài đang được ưu ái tại Việt Nam?
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hội nhập và toàn cầu hóa thì sự xuất hiện của những lao động nước ngoài tại những doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam ngày càng nhiều. Có một điều không thể phủ nhận là mặc dù chính sách cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam còn khá phức tạp nhưng lao động nước ngoài vẫn chiếm một vị trí và vai trò khá quan trọng trong nội bộ doanh nghiệp nói riêng và đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Vậy tại sao lại có sự phân chia rõ ràng như thế?
Lao động nước ngoài đang lên ngôi?
Tính đến năm 2015, cả nước có hơn 76.000 lao động nước ngoài đang làm việc. Lao động nước ngoài đến từ 74 quốc gia, trong đó, người lao động châu Á chiếm 58%, người châu Âu chiến 28.5%. Đây là kết quả thống kê mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra nhưng trên thực tế con số có thể lớn hơn rất nhiều, bởi tình trạng người nước ngoài làm việc không giấy phép lao động tại Việt Nam rất nhiều. Đó có thể là người nước ngoài nhập cư trái phép hoặc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam theo diện du lịch nhưng vẫn đang làm việc tại Việt Nam. Tính ra, con số đó có thể chiếm đến hơn 30% con số đã đưa ra trên.
Theo quy định của bộ Luật lao động Việt Nam, người lao động nước ngoài xin cấp giấy giấy phép lao động phải là người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm lâu năm, giữ chức cấp cao trong doanh nghiệp…Ngành nghề cũng rất đa dạng, tập trung đa phần vào những ngành nghề khan hiếm lao động nước ngoài như kỹ sư kỹ thuật xây dựng, dịch vụ y tế, du lịch, giáo dục.
Không khó để hiểu vì sao lao động nước ngoài lại được ưu ái đến thế. Lao động Việt Nam có thể không có những kỹ năng làm việc đủ tốt như người nước ngoài, năng suất lao động và sự chuyên nghiệp cũng không bằng những người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Với những hạng mục công việc đặc thù, trình độ bằng cấp và kinh nghiệm của người Việt Nam không thể đáp ứng được yêu cầu của công việc. Với những người lao động từ ngoài nước, việc giao tiếp thành thạo ngoại ngữ là một lợi thế rất lớn, hơn nữa môi trường làm việc tại Việt Nam nói chung khá thân thiện và thoải mái, thỏa sức sáng tạo và phát triển, không quá khắt khe và căng thẳng như môi trường nước ngoài.
Hướng đi nào cho người lao động Việt Nam
Sự khó kiểm soát người lao động nước ngoài hiện nay một phần lớn là do cơ chế quản lý chưa chặt chẽ. Điều này đặt ra yêu cầu cho các cơ quan nhà nước làm phải có những chiến lược và chính sách sâu sát hơn với tình hình thực tế, được nguồn lao động và hoạt động của người lao động nước ngoài tại Viêt Nam.
Bên cạnh đó, phát huy nguồn lực nội tại bằng việc đào tạo và phát triển lao động trình độ cao để đáp ứng nhu cầu của đất nước là yêu cầu cấp bách. Bởi xét cho cùng, con người mới chính là nhân tố quan trọng nhất tác động đến sự phát triển, máy móc dù tốt đến đâu thì cũng có lúc lỗi thời nhưng khả năng sáng tạo của con người là vô tận.
Trên thực tế lao động Việt Nam không hề yếu kém, tiềm lực phát triển vô cùng lớn nhưng lại chưa có những chính sách đãi ngộ tốt, môi trường phát triển cho nhân tài cũng chưa thỏa đáng. Chảy máu chất xám không còn là hiện tượng mà trở thành “trào lưu”, người người xuất ngoại, nhà nhà xuất ngoại. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể đợi và cũng không muốn tốn kém chi phí để đào tạo nguồn nhân lực ngay từ đầu. Doanh nghiệp khi sử dụng lao động tất nhiên mong muốn nhận được kết quả làm việc tốt nhất và người lao động nước ngoài có thể thỏa mãn được những điều kiện này. Chỉ cần vượt qua một số rào cản pháp lý như giấy phép lao động, visa diện doanh nghiệp hay thẻ tạm trú là người lao động có thể an tâm làm việc ở Việt Nam.
Người lao động Việt Nam vô cùng dồi dào, có khả năng phát triển nhưng kết quả lại bị thua trên chính sân nhà của mình, đang phải lần lượt lang bạt xa quê hương để nhận sự đãi ngộ và cơ hội tốt hơn hơn.